Về Côn Đảo, lắng nghe những câu chuyện lịch sử hào hùng

THÙY TRANG

VHO - Trong những ngày tháng 5, chúng tôi có dịp về thăm Khu Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo, nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian” thời bấy giờ. Côn Đảo hôm nay đã khoác lên mình diện mạo mới, trở thành điểm thu hút nhiều tầng lớp nhân dân và du khách.

Về Côn Đảo, lắng nghe những câu chuyện lịch sử hào hùng - ảnh 1

Khách đến tham quan di tích Trại giam Phú Tường -“chuồng cọp” kiểu Pháp trong ngày đầu tuần

1. Tọa lạc tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo là nơi in đậm tội ác chiến tranh của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ khi nơi đây có đến hàng chục ngàn chiến sĩ cách mạng bị giam cầm, tra tấn và hi sinh… 

Từ cảng biển Trần Đề (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), chúng tôi ngồi tàu cao tốc khoảng hơn 2 giờ đồng hồ thì cập bến Đầm (Côn Đảo). Đường tàu biển trong những ngày giữa tháng 4 âm lịch khá êm ả, thời tiết tốt nên trải qua hành trình khá dài mà chúng tôi cảm thấy không mệt mỏi. Đường từ bến tàu vào trung tâm huyện đảo chạy dọc theo đường bờ biển, dài khoảng 13km nhưng với tâm trạng háo hức, nhiều du khách ngay lập tức đã hòa mình vào cảnh sắc trập trùng, những hàng phượng vĩ đỏ thắm, đặc biệt là những phế tích, di tích nơi đây đã không khỏi khiến chúng tôi xúc động.

Trong khi di chuyển vào trung tâm Côn Đảo, chúng tôi đã ghé thăm di tích Cầu Tàu, tại vị trí trung tâm của bãi biển chính. Cầu Tàu được khởi dựng năm 1873, có chiều dài 130m, rộng 4,8m, gồm hai cánh chính và một cánh phụ, ở phía mũi tạo hình chữ T. Đây cũng là nơi chứng kiến nỗi cực nhục đầu tiên của những người bị đưa ra đảo tù đày. Con số 914 được đặt tên cho cầu cũng là số tù nhân đã ngã xuống vì lao dịch, tai nạn trong quá trình lao động khổ sai để xây cầu. Thế nhưng theo nhiều lời kể, số người hi sinh phải lớn hơn 1.000 người…

Về Côn Đảo, lắng nghe những câu chuyện lịch sử hào hùng - ảnh 2

Một góc Trại giam Phú Tường - “chuồng cọp” kiểu Pháp

2. Đến Côn Đảo, những địa chỉ chúng tôi được đến thăm là Bảo tàng Côn Đảo, di tích chuồng cọp Pháp (nằm trong Trại Phú Tường), di tích chuồng cọp Mỹ (Trại Phú Bình), di tích Trại Phú Sơn, Bãi sọ người, Nhà chúa đảo, Nghĩa trang Hàng Dương… Riêng di tích Trại Phú Hải -  trại giam lớn nhất và lâu đời nhất Côn Đảo được xây dựng từ năm 1862, hiện đang trong giai đoạn tu bổ nên không đón khách tham quan. Tuy nhiên, với hệ thống di tích còn lại với sự quy mô công trình và những vết tích lịch sử để lại, cũng đã đủ cho người xem cảm nhận một thời chiến tranh ác liệt, hi sinh máu xương của biết bao chiến sĩ, đồng bào qua các chế độ tù đày khắc nghiệt, dã man của thực dân và đế quốc, nhằm giết dần người tù, đè bẹp ý chí phản kháng của các chiến sĩ cách mạng.

Theo đó, năm 1861, thực dân Pháp chiếm Côn Đảo và lập ra hệ thống nhà tù vào năm 1862, kể từ đó, Côn Đảo trở thành “địa ngục trần gian” trong suốt 113 năm dưới sự cai trị của 53 đời Chúa đảo. Dưới con mắt của thực dân, Côn Đảo là một nơi lý tưởng, đáp ứng tốt những yêu cầu đối với một nhà tù bởi Côn Đảo bốn bề là biển, cách xa đất liền, người tù khó bề trốn thoát.

Trong lịch sử, chính quyền thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã cho xây dựng 127 phòng giam, 42 xà lim và 504 phòng giam biệt lập - “chuồng cọp” tại khu vực Côn Đảo. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất (1975), chức năng của hệ thống nhà tù ở Côn Đảo bị giải thể. Khu di tích lịch sử Côn Đảo đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt, với 17 di tích thành phần.

Về Côn Đảo, lắng nghe những câu chuyện lịch sử hào hùng - ảnh 3

Các bạn trẻ tham quan khu vực tái hiện cảnh tù đày trong Trại giam Phú Sơn

Trong đó, Trại Phú Hải (còn có các tên gọi khác, như Banh 1, Lao 1, Trại Cộng Hòa, Trại 2) là trại giam lớn nhất và lâu đời nhất tại hệ thống nhà tù Côn Đảo. Trại gồm 33 phòng giam chia thành 2 dãy nằm đối diện nhau, 5 phòng giam mỗi bên, nối qua hai dãy là 20 hầm đá hay còn được gọi là xà lim, 2 hầm xay lúa cho tù nhân lao động, 1 phòng tử hình và 1 khu đập đá. Trại 2 được xây dựng từ năm 1862 và được chỉnh trang kiên cố vào năm 1896, với diện tích hơn 12.000m2, gồm 2 dãy khám giam, 20 xà lim, bệnh xá, nhà nguyện, giảng đường, khu đập đá, câu lạc bộ, nhà Giám thị..., được bao bọc bởi bốn bức tường cao hơn 4m, xung quanh bố trí nhiều bốt gác. Đây là trại giam lớn và cổ nhất ở Côn Đảo.

Trại Phú Sơn (Trại 3) được xây dựng năm 1916, với diện tích trên 13.000m2, gồm 13 khám lớn, 14 xà lim, miếu thờ, phòng y tế, phòng cắt tóc, nhà bếp, phòng Giám thị, câu lạc bộ và khuôn viên cây xanh, bao quanh là hệ thống tường đá (cao 4m) và nhiều bốt gác…

Về Côn Đảo, lắng nghe những câu chuyện lịch sử hào hùng - ảnh 4

Một góc di tích Trại Phú Sơn

Nhắc đến nhà tù Côn Đảo không thể không nhắc đến “chuồng cọp”. Tại đây có “chuồng cọp” kiểu Pháp và “chuồng cọp” kiểu Mỹ. Được xây dựng năm 1940, “chuồng cọp” kiểu Pháp nằm bên trong Trại Phú Tường có tổng diện tích gần 5.500m² gồm 120 phòng giam biệt lập và 60 phòng tắm nắng là nơi dùng để hành hạ người tù, nhờ cấu trúc “nhà tù trong nhà tù” mà “chuồng cọp” kiểu Pháp được giấu kín trong suốt 30 năm. 

Mỗi buồng giam “chuồng cọp” có kích thước cỡ 1,5m x 2,7m, giam từ 5 đến 12 người, chân bị còng vào một thanh sắt, việc ăn uống và vệ sinh cá nhân đều tại chỗ. Bên trên, cai ngục đi dọc hành lang để theo dõi, kiểm soát người tù, trên tay luôn cầm gậy sắt dài nhọn sẵn sàng chọc xuống tù nhân nào chống đối. Đồng thời, bên trên mỗi buồng giam đều có 1 thùng nước bẩn, 1 thùng vôi bột, khi tù nhân có dấu hiệu phản đối, cai ngục rắc vôi bột làm mù mắt tù nhân. Tù nhân bị giam trong chuồng cọp phải chịu tra tấn dã man, như đóng đinh vào tay, chân, đục răng, thiêu sống, chôn sống…

Về Côn Đảo, lắng nghe những câu chuyện lịch sử hào hùng - ảnh 5

Phần mộ của nữ anh hùng Võ Thị Sáu và các phần mộ luôn nghi ngút khói hương của những người ra thăm đảo

Khác với “chuồng cọp” kiểu Pháp, “chuồng cọp” kiểu Mỹ (Trại Phú Bình) được xây dựng năm 1971 do các chuyên gia Mỹ thiết kế chủ yếu tra tấn tù nhân về tinh thần. Quanh trại được bao bọc bởi hàng rào dây thép gai và tường bê tông. Cùng với đó, khu biệt lập Chuồng Bò là nơi tù nhân lao động khổ sai, đồng thời là nghĩa địa của tù nhân. “Bãi sọ người” tại đây chính là nghĩa địa đầu tiên ở Nhà tù Côn Đảo, tiếp đến là nghĩa địa Hàng Keo, nghĩa địa Hàng Dương…

3. Côn Đảo nằm đó đã 113 năm, là một minh chứng về tội ác của đế quốc, thực dân. Không chỉ có hệ thống nhà tù Côn Đảo, nhiều địa danh nơi này đã gắn liền với những mất mát, hy sinh của cha ông. Cách đó không xa là Nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước qua nhiều thế hệ, đã đối mặt với kẻ thù giữa lao tù, xiềng xích trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc.

Về Côn Đảo, lắng nghe những câu chuyện lịch sử hào hùng - ảnh 6

Di tích Nghĩa trang Hàng Dương luôn có đông đảo các thế hệ người dân và du khách đến tưởng niệm, tham quan

Năm 1992, di tích này đã được đầu tư tôn tạo và chia thành 4 khu. Khu A gồm 688 ngôi mộ, trong đó có phần mộ của liệt sĩ cách mạng Lê Hồng Phong và nhà yêu nước Nguyễn An Ninh. Khu B gồm 695 ngôi mộ, trong đó có phần mộ của nữ anh hùng Võ Thị Sáu và anh hùng Cao Văn Ngọc. Khu C gồm 372 ngôi mộ, có phần mộ của anh hùng Lê Văn Việt. Khu D gồm 148 ngôi mộ, số mộ này đều được quy tập từ nghĩa địa Hòn Cau và Hàng Keo. Các phần mộ luôn nghi ngút khói hương của những người ra thăm đảo, đặc biệt vào dịp cuối tuần và những ngày lễ lớn của đất nước, khu di tích đón đông đảo các thế hệ người dân và du khách đến tưởng niệm, tham quan.

Nhà tù Côn Đảo là nơi tập trung nhất hệ thống cai trị tù khét tiếng của Pháp và Mỹ. Nhà tù cũng là “Trường học Cộng sản” rèn luyện phẩm chất, ý chí của các chiến sĩ Cộng sản… Ngày nay, Côn Đảo đã trở thành một khu di tích lịch sử cách mạng lớn, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ. Họ luôn tìm về đây để lắng nghe những câu chuyện lịch sử hào hùng của mảnh đất này. Không những thế, nhiều điểm du lịch, giải trí cũng trở thành lựa chọn của du khách trong và ngoài nước, tạo cho Côn Đảo một dấu ấn riêng mà không nơi nào có được.